Sau một thời gian sử dụng, mái tôn nhà xưởng thường bị bụi bẩn, rêu mốc và các tạp chất khác có thể tích tụ trên bề mặt mái tôn và trần nhà xưởng – gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khả năng thoát nước cũng như độ bền phần mái. Điều này đặt ra yêu cầu chủ đầu tư cần vệ sinh thường xuyên để đảm bảo sự sạch đẹp, nâng cao sự bền lâu của phần trần – mái nhà xưởng.
Trong bài viết dưới đây, IMAI sẽ chia sẻ đến bạn A-Z về quy trình vệ sinh trần và mái nhà xưởng để giúp bạn hiểu hơn trước khi đặt dịch vụ này cho công trình mình.
1. Tại sao cần vệ sinh trần và mái nhà xưởng định kỳ?
Trần và mái nhà xưởng bằng mái tôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ không gian bên trong khỏi tác động của thời tiết, bụi bẩn và các yếu tố môi trường khác. Nếu không được vệ sinh định kỳ, mái tôn có thể gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng như:
- Tích tụ bụi bẩn, rêu và lá cây gây thấm dột: Lâu ngày, bụi bẩn, lá cây, rêu có thể bám chặt vào bề mặt mái tôn, làm mất đi tính thẩm mỹ và giảm khả năng thoát nước mái tôn – gây ra ứ đọng trên mái dẫn đến rủi ro thấm dột bên trong công trình.
- Ăn mòn và gỉ sét: Các chất bẩn kết hợp với nước mưa ứ đọng lâu ngày trên mái có thể đẩy nhanh phản ứng hóa học làm oxy hóa bề mặt mái tôn, dẫn đến hiện tượng gỉ sét và giảm tuổi thọ mái.
- Tắc nghẽn hệ thống thoát nước: Khi mái tôn không được làm sạch thường xuyên, rác thải, bụi bẩn có thể làm tắc nghẽn máng xối và đường ống thoát nước, gây ra tình trạng ứ đọng nước mưa tạo áp lực làm võng máng, tràn nước ồ ạt từ máng xuống đất (không qua đường ống) hoặc tràn ngược lên mái gây thấm dột.
- Xuống cấp nội thất, hư hỏng thiết bị bên trong: Như đã đề cập ở trên, việc không quan tâm vệ sinh mái, dẫn đến ứ tắc nước & thấm dột vào bên trong công trình. Độ ẩm cao có thể tạo ra ẩm mốc, ảnh hưởng các vi mạch điện tử – gây ra xuống cấp nội thất công trình, hư hỏng các thiết bị máy móc dẫn đến thiệt hại tài sản cho chủ đầu tư.
2. Tần suất vệ sinh trần và mái nhà xưởng hợp lý
Thông thường, tần suất vệ sinh trần và mái tôn định kỳ từ 1-2 năm/lần. Việc xác định thời điểm và tần suất vệ sinh trần, mái nhà xưởng bằng mái tôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện môi trường, mức độ ô nhiễm và đặc thù sản xuất của doanh nghiệp.
Chi tiết, tùy vào mức độ bụi bẩn và điều kiện môi trường, doanh nghiệp có thể lựa chọn tần suất vệ sinh mái nhà xưởng như sau:
- 1 năm/lần hoặc nhiều hơn: Áp dụng cho nhà xưởng ở khu vực nhiều bụi bẩn, ô nhiễm hoặc có đặc thù hoạt động sản xuất dễ tạo ra chất bẩn (như luyện kim, giết mổ động vật, chế biến than,…). Ngoài ra, nếu nhà máy nằm ở khu vực gió bão/thiên tai, đồng thời xung quanh có nhiều cây xanh, bạn cũng nên tăng tần suất vệ sinh mái để hạn chế tình trạng cành lá bị cuốn lên gây ứ đọng nước.
- 2 năm/lần: Dành cho nhà xưởng ở khu vực ít bụi & xung quanh ít cây xanh, khí hậu ổn định, không có nhiều tác động từ môi trường bên ngoài.
- Vệ sinh đột xuất: Khi phát hiện mái có dấu hiệu bẩn nghiêm trọng, tắc nghẽn máng xối, rêu mốc hoặc sau các trận mưa lớn, bão.
3. Chuẩn bị trước khi vệ sinh trần và mái nhà xưởng
Trước khi tiến hành vệ sinh trần và mái nhà xưởng, bên thi công cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị, hóa chất và đảm bảo các biện pháp an toàn để quá trình làm sạch diễn ra hiệu quả – tránh gây hư hỏng mái tôn hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người thực hiện.
3.1. Dụng cụ và thiết bị cần thiết
Để vệ sinh mái tôn và trần nhà xưởng một cách hiệu quả, bạn cần chuẩn bị các thiết bị chuyên dụng sau:
- Máy phun rửa cao áp: Giúp loại bỏ bụi bẩn, rêu mốc nhanh chóng mà không làm tổn hại đến bề mặt tôn.
- Máy hút bụi công nghiệp: Sử dụng cho khu vực trần nhà để làm sạch mạng nhện, bụi mịn bám trên trần, mái.
- Cây lau trần, chổi quét cán dài: Hỗ trợ làm sạch những khu vực khó tiếp cận.
- Dây đai an toàn, thang chữ A hoặc giàn giáo: Hỗ trợ & đảm bảo an toàn khi làm việc trên cao.
- Xô, khăn lau, bàn chải mềm: Dùng để làm sạch những vết bẩn cứng đầu, cục bộ mà máy móc không xử lý được.
- Máng hứng nước: Hạn chế nước bắn xuống khu vực sản xuất bên dưới khi vệ sinh.
- Và một số thiết bị khác
3.2. Hóa chất vệ sinh mái tôn
Lựa chọn hóa chất phù hợp giúp bạn có làm sạch mái tôn hiệu quả mà không gây hư hại/ăn mòn bề mặt, dưới đây là một số loại dung dịch được khuyến nghị gồm:
- Dung dịch tẩy rửa trung tính: Loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ mà không làm ảnh hưởng đến lớp sơn bảo vệ của mái tôn.
- Chất chống rêu mốc: Giúp dễ dàng tẩy rêu, mốc – đồng thời ngăn chặn sự phát triển của rêu xanh, nấm mốc trên bề mặt mái quay trở lại
- Nước rửa chuyên dụng cho kim loại: Được sử dụng khi mái tôn bị bám bẩn nghiêm trọng, có dấu hiệu gỉ sét nhẹ.
Lưu ý: Hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất có tính axit hoặc kiềm mạnh, vì chúng có thể làm hỏng lớp sơn bảo vệ hoặc ăn mòn bề mặt tôn.
3.3. Các biện pháp an toàn khi vệ sinh mái nhà xưởng
Làm việc trên cao luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vì vậy đội ngũ thi công cần tuân thủ các quy tắc an toàn sau:
- Kiểm tra kết cấu mái trước khi vệ sinh: Đảm bảo mái tôn không bị mục nát, lỏng ốc vít, tránh tình trạng sập mái hoặc trượt ngã khi di chuyển.
- Sử dụng dây đai an toàn: Khi làm việc trên cao, bắt buộc phải đeo dây đai bảo hộ, móc chắc chắn vào khung kết cấu nhà xưởng để đảm bảo giữ chắc an toàn khi không may gặp rủi ro trượt ngã
- Không vệ sinh mái khi trời mưa hoặc gió lớn: Độ ẩm cao hoặc gió lớn có thể dẫn đến trơn trượt trên bề mặt mái, rất dễ xảy ra tai nạn.
- Cảnh báo khu vực làm việc: Đặt biển báo, rào chắn dưới khu vực khi tiến hành vệ sinh để cảnh báo những người không liên quan không được lại gần – tránh các rủi ro ngoài mong muốn có thể xảy ra.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vệ sinh sẽ giúp quá trình làm sạch trần và mái nhà xưởng diễn ra an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.
4. Quy trình vệ sinh trần và mái nhà xưởng bằng mái tôn chuyên nghiệp
Sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, hóa chất và các biện pháp an toàn – quá trình vệ sinh trần và mái nhà xưởng cần thực hiện theo đúng quy trình chuẩn kỹ thuật dưới đây để đạt hiệu quả cao nhất. Chi tiết, dưới đây là các bước cụ thể:
Bước 1: Kiểm tra hiện trạng mái tôn và trần nhà
Trước khi bắt đầu vệ sinh, cần tiến hành kiểm tra toàn bộ mái nhà xưởng để xác định mức độ bám bẩn, tình trạng rêu mốc, tắc nghẽn máng xối hoặc hư hỏng mái tôn. Những điểm cần lưu ý bao gồm:
- Bước 1.1: Kiểm tra xem mái có bị gỉ sét, thủng, cong vênh hay không. Điều này nhằm mục đích tư vấn chủ đầu tư khắc phục sớm để tránh dột nước, đồng thời tránh đứng tại các vị trí đó khi vệ sinh để đảm bảo an toàn khi triển khai thực hiện
- Bước 1.2: Xác định các khu vực có bụi bẩn dày, bám nhiều rêu mốc để tập trung xử lý.
- Bước 1.3: Kiểm tra hệ thống thoát nước để đảm bảo không bị tắc nghẽn.
Bước 2: Quét dọn và làm sạch bụi bẩn trên trần nhà
Sau khi kiểm tra xong, đội vệ sinh sẽ tiến hành các bước quét dọn và làm sạch bụi bẩn trên trần nhà với quy trình như sau:
- Bước 2.1: Sử dụng máy hút bụi công nghiệp hoặc chổi cán dài để quét sạch bụi bẩn, mạng nhện trên trần nhà.
- Bước 2.2: Sau đó, tiếp tục dùng cây lau trần để lau các vết bám cứng đầu còn sót lại, đảm bảo trần sạch sẽ trước khi tiến hành vệ sinh mái tôn. Cuối cùng, chuyển sang lau các khung sắt, quạt thông gió hoặc đèn chiếu sáng, được gắn trên trần.
Bước 3: Vệ sinh mái tôn bằng
Trong quá trình vệ sinh, đội thi công sẽ áp dụng các phương pháp sau:
- Bước 3.1 – Dùng nước áp lực cao để rửa mái: Dùng máy phun rửa cao áp xịt nước lên mái tôn từ trên xuống dưới để loại bỏ bụi bẩn, rêu mốc. Lưu ý không xịt nước trực tiếp vào các khe nối hoặc mép tôn để tránh nước rò rỉ vào bên trong nhà xưởng.
- Bước 3.2 – Dùng hóa chất chuyên dụng để làm sạch: Pha loãng dung dịch vệ sinh theo đúng tỷ lệ khuyến nghị, nhằm tránh tình trạng quá “đặc” làm ăn mòn mái tôn. Sau đó, đội vệ sinh sử dụng bàn chải mềm hoặc cây lau dài để chà nhẹ lên bề mặt mái để loại bỏ rêu mốc và vết bẩn cứng đầu còn sót lại sau khi xịt nước ở bước 3.1. Sau khi làm sạch bằng hóa chất, bạn tiến hành dùng vòi áp lực cao để loại bỏ hoàn toàn cặn bẩn và hóa chất còn sót lại.
Bước 4: Kiểm tra và làm sạch hệ thống thoát nước
Đối với hệ thống thoát nước, đầu tiên, đội thợ sẽ dùng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ rác, lá cây, bùn đất tích tụ trong máng xối. Sau đó, tiến hành xịt nước áp lực nhẹ cho đến khi đường ống thoát nước không còn bị tắc nghẽn nữa.
Bước 5: Kiểm tra lần cuối và nghiệm thu kết quả
Sau khi vệ sinh xong, nhà thầu sẽ kiểm tra lại toàn bộ mái tôn để đảm bảo không còn bụi bẩn, rêu mốc hay đọng nước. Sau đó, kiểm tra các vị trí thoát nước để đảm bảo việc chảy đã được thông suốt & không bị ứ đọng.
Khi hai yếu tố trên đã đạt yêu cầu, nhà thầu sẽ tiến hành bàn giao cho khách hàng để tiến hành nghiệm thu lần cuối và thanh lý hợp đồng.
5. Những lưu ý quan trọng khi vệ sinh trần và mái nhà xưởng
Trong quá trình vệ sinh mái tôn và trần nhà xưởng, bạn cần lưu ý những điểm quan trọng sau để đảm bảo đội thợ thực hiện an toàn, tránh hư hại tấm lợp & duy trì phần mái luôn sạch sẽ:
- Sử dụng dây an toàn: Khi làm việc trên mái tôn, người thực hiện phải đeo dây an toàn và móc vào khung thép cố định chắc chắn để tránh nguy cơ té ngã.
- Tránh làm việc trong điều kiện thời tiết xấu: Không vệ sinh mái vào những ngày mưa, gió lớn vì bề mặt mái tôn trơn trượt và dễ hấp thụ nhiệt, gây nguy hiểm cho công nhân.
- Không dùng hóa chất có tính axit hoặc kiềm mạnh: Bản chất mái tôn là kim loại, do đó, việc dùng hóa chất quá mạnh sẽ có thể ăn mòn bề mặt mái tôn làm giảm độ bền – gây rỉ sét, thủng, nứt mái,… Thay vào đó, bạn nên ưu tiên sử dụng dung dịch vệ sinh trung tính để làm sạch bụi bẩn, rêu mốc mà vẫn thân thiện với chất liệu của mái.
- Áp dụng phương pháp vệ sinh phù hợp với từng loại mái tôn: Đối với mái tôn trơn & ít bám bẩn, đơn vị thi công chỉ cần dùng vòi nước áp lực cao để làm sạch mà không cần hóa chất tẩy rửa. Đối với mái tôn bị rêu mốc lâu ngày, đơn vị thi công sẽ cần dùng hóa chất tẩy rửa trung tính để ần dùng bàn chải mềm kết hợp dung dịch diệt rêu để đảm bảo mái sạch hoàn toàn. Với mái tôn cũ đang có dấu hiệu ăn mòn, khi vệ sinh hạn chế dùng nước áp lực cao để tránh làm tổn hại thêm mái – thay vào đó nên lau rửa bằng tay để tránh làm bong tróc lớp sơn chống rỉ.
- Bảo trì định kỳ: Nên lên kế hoạch kiểm tra và vệ sinh mái ít nhất 1-2 năm/lần tùy điều kiện và độ bẩn tấm lợp để đảm bảo mái tôn công trình luôn sạch-đẹp-bền trong thời gian dài.
Qua bài viết trên, IMAI đã giới thiệu tới bạn A-Z về quy trình vệ sinh trần và mái nhà xưởng chuyên nghiệp với 5 bước đầy đủ nhất. Hy vọng qua bài viết, bạn đã hiểu rõ hơn về quy trình này để quản lý đội nhà thầu tốt hơn, từ đó đạt hiệu quả vệ sinh trần – mái tốt nhất.