Khi thi công mái tôn, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ bền và an toàn của công trình chính là khoảng cách xà gồ. Việc xác định khoảng cách hợp lý không chỉ giúp kết cấu mái vững chắc mà còn tối ưu chi phí vật liệu, tốt cho cả phong thủy nữa!
Trong bài viết dưới đây, IMAI sẽ giải đáp tới bạn A-Z cho thắc mắc “Khoảng cách xà gồ nên để cách nhau bao nhiêu khi làm mái tôn?” và giải đáp các thông tin liên quan đến khoảng cách xà gồ trong từng điều kiện đặc biệt, phong thủy,… Cùng bắt đầu ngay sau đây!
Khoảng cách xà gồ nên để cách nhau bao nhiêu khi làm mái tôn?
Khoảng cách xà gồ mái tôn không có một con số cố định mà sẽ thay đổi tùy theo loại mái, độ dày tôn và hệ khung kèo. Chi tiết, dưới đây là các tiêu chuẩn phổ biến nhất khi bố trí xà gồ cho mái tôn:
- Mái tôn thông thường: Khoảng cách xà gồ dao động từ 70 – 90cm, tùy vào độ dày tôn.
- Mái tôn có lớp xốp cách nhiệt: Do có độ cứng, độ ổn định hình dáng cao hơn tôn 1 lớp, mái tôn có lớp xốp cách nhiệt sẽ yêu cầu khoảng cách xà gồ “thoáng” hơn, từ 80 – 120cm.
- Hệ khung kèo 2 lớp: Khoảng cách lý tưởng giữa các xà gồ dao động trong khoảng từ 110 – 120cm.
- Hệ khung kèo 3 lớp: Khoảng cách giữa các thanh xà gồ thường trong khoảng 80 – 90cm để đảm bảo độ vững chắc nhất cho hệ mái.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách xà gồ mái tôn
Bên cạnh thông số khoảng cách xà gồ mái tôn chuẩn đã kể ở trên, bạn cần xem xét một số yếu tố ảnh hưởng sau để có sự điều chỉnh giảm hoặc tăng số lượng thanh thép nếu cần thiết:
- Loại tôn sử dụng: Tôn càng dày thì khoảng cách xà gồ có thể lớn hơn, ngược lại tôn càng mỏng thì cần mật độ dày đặc hơn để tránh bị võng.
- Kích thước và độ dày xà gồ: Xà gồ lớn và dày sẽ có khả năng chịu lực tốt hơn, do đó bạn có thể thiết kế khoảng cách xa hơn một chút so với xà gồ mỏng.
- Độ dốc của mái: Mái có thiết kế độ dốc cao – chẳng hạn như mái thái sẽ giúp giảm tải trọng tấm lợp lên khung mái, giúp bạn có thể gia tăng khoảng cách xà gồ một chút mà không ảnh hưởng đến độ bền và chịu lực
- Điều kiện thời tiết: Khu vực có gió bão mạnh cần xà gồ đặt gần nhau hơn để đảm bảo độ chắc chắn, tránh tốc lật gây thiệt hại bên trong công trình
- Tải trọng bổ sung: Nếu mái nhà có lắp đặt thêm hệ thống bình (téc) nước, cục nóng điều hòa, thông gió, tấm pin năng lượng mặt trời,… xà gồ cần điều chỉnh gần nhau để chịu tải tốt hơn.
Tầm quan trọng của việc tính toán khoảng cách xà gồ chính xác
Khi khoảng cách xà gồ được tính toán hợp lý, tấm lợp tôn sẽ được nâng đỡ tốt – giúp mái trở nên vững chắc hơn trước các tác động gió bão khắc nghiệt của thời tiết. Nếu khoảng cách quá xa, mái tôn có thể bị võng & yếu hơn, dễ gây ra tình trạng sập hoặc tốc lật khi có gió mạnh.
Mặt khác, nếu xà gồ quá gần, điều này trực tiếp tăng lượng xà gồ sẽ nhiều hơn mức cần thiết, gây tốn kém chi phí thi công mà không thực sự gia tăng lợi ích đáng kể so với mái có khoảng cách xà gồ chính xác.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tính toán và thi công khoảng cách xà gồ hợp lý, dưới dây là A-Z lợi ích có thể thấy rõ nhất:
- Tăng tính thẩm mỹ: Khoảng cách xà gồ hợp lý giúp mái tôn phẳng phiu, không bị võng hoặc “gợn sóng” do xà gồ quá xa – tạo vẻ đẹp thẩm mỹ trọn vẹn cho công trình.
- Độ bền của công trình: Nếu xà gồ được lắp đặt với khoảng cách phù hợp, mái tôn sẽ chịu lực tốt hơn do được phân phối lực đồng đều hơn, tránh tình trạng áp lực cục bộ dẫn đến tình trạng sập mái.
- Tiết kiệm chi phí vật liệu: Việc tính toán đúng khoảng cách giúp tối ưu số lượng xà gồ, tránh lãng phí vật tư mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình hiệu quả nhất.
- An toàn khi sử dụng: Đối với khu vực có thời tiết khắc nghiệt với mưa bão & gió lớn xảy ra thường xuyên, xà gồ có khoảng cách chính xác sẽ giúp phần tấm lợp cố định chắc chắn trên khung mái – chống lật tốc hiệu quả, bảo toàn tài sản, sức khỏe và nhân mạng bên trong công trình.
Cách tính khoảng cách xà gồ mái tôn chuẩn theo phong thủy
Không chỉ độ bền, người Việt còn tin rằng số khoảng cách & số lượng xà gồ còn ảnh hưởng đến phong thủy, số mệnh chủ nhân – giúp gia đình luôn được mạnh khỏe & gặp nhiều may mắn. Nếu quan tâm, bạn có thể cân nhắc thực hiện tính toán kết hợp con số khoảng cách xà gồ đã được chia sẻ ở trên với số lượng xà gồ theo quy luật inh – Trụ – Hoại – Diệt dưới đây:
Cụ thể, phương pháp này dựa theo chu kỳ bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, ứng với SINH – TRỤ – HOẠI – DIỆT. Trong đó, mùa Xuân (SINH) và Hạ (TRỤ) tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng – còn Thu (HOẠI) và Đông (DIỆT) đại diện cho suy tàn, hao hụt.
Gia chủ nên chọn số lượng xà gồ rơi vào cung SINH hoặc TRỤ, tránh HOẠI và DIỆT để đảm bảo cát lợi. Cụ thể, số lượng xà gồ ứng với SINH và TRỤ bao gồm:
- SINH: 1, 5, 9, 13, 17, 21…
- TRỤ: 2, 6, 10, 14, 18, 22…
Ví dụ: Nếu mái tôn nhà bạn thuộc hệ khung kèo 2 lớp có chiều dài 10,4m, gia chủ nên bố trí 10 cây xà gồ; mái 15m nên chọn 14 cây xà gồ để hợp phong thủy và đảm bảo khoảng cách xà gồ tiêu chuẩn (110 – 120cm) đã đề cập ở trên.
Trên đây là A-Z giải đáp của IMAI cho thắc mắc về “Khoảng cách xà gồ nên để cách nhau bao nhiêu khi làm mái tôn?” và những thông tin liên quan về yếu tố ảnh hưởng (cần thu nhỏ hoặc có thể nới rộng) khoảng cách xà gồ, xà gồ trong phong thủy,… Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thể tính toán được khoảng cách xà gồ lý tưởng khi thiết kế mái cho công trình mình để vừa đẹp, an toàn, tiết kiệm và hợp phong thủy. Chúc bạn thành công!