9+ cách xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy triệt để nhất

xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy

Nhiệt độ cao và không khí bí bách trong nhà máy là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi cho lao động – trực tiếp làm giảm hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, khi vận hành trong môi trường nhiệt độ cao liên tục. Do đó, việc xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy là điều cực kỳ cấp thiết. Vậy những phương pháp xử lý nào sẽ hiệu quả nhất cho các vấn đề trên?

Hãy cùng khám phá 9+ cách xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy cực kỳ hiệu quả được IMAI tổng hợp và chia sẻ tới bạn ngay sau đây!

Nguyên nhân khiến nhà máy bị bí và nóng

Nhà máy, nhà xưởng vốn là môi trường sản xuất khép kín với nhiều máy móc hoạt động liên tục với nhiệt năng tỏa ra vô cùng lớn. Khi không có hệ thống làm mát và thông gió hiệu quả, không khí bên trong sẽ trở nên bí bách, nóng bức gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả làm việc và sức khỏe của nhân công.

Nguyên nhân khiến nhà máy bị bí và nóng

Để giúp bạn biết được các lý do gây bí và nóng của công trình bạn, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này:

  • Mật độ máy móc cao trong diện tích hẹp: Nếu nhà xưởng bạn chứa nhiều máy móc trong diện tích hẹp, khi vận hành chúng sẽ cùng tỏa ra nhiệt, tạo ra lượng lớn khí nóng. Nếu công trình không thông gió hoặc có khả năng làm mát tốt, khí nóng không kịp lưu thông ra ngoài nhà xưởng gây cảm giác bức bối & bí bách cho người làm việc bên trong.
  • Mái tôn hấp thụ nhiệt mạnh: Phần lớn nhà xưởng sử dụng mái tôn, nếu không dùng loại có khả năng cách nhiệt như tôn lạnh/tôn xốp, vật liệu này có thể hấp thụ nhiệt vào bên trong gây ra tình trạng oi bức – đặc biệt vào thời điểm trưa hè.
  • Thiết kế thông gió, hút khí kém: Nếu nhà máy có thiết kế thông gió hoặc hệ thống hút khí nóng kém hiệu quả – không khí nóng bên trong sẽ tù đọng, gây cảm giác ngột ngạt.
  • Quá trình sản xuất sinh nhiệt: Một số nhà máy thuộc ngành nghề đặc biệt như: luyện kim, thủy tinh, điện hạt nhân,… thường có lò phản ứng sinh nhiệt lớn trong quá trình vận hành, khiến môi trường làm việc xung quanh trở nên nóng nực..

Giải pháp làm mát nhà xưởng hiệu quả

Để xử lý triệt để tình trạng không khí bí bách và nóng nực trong nhà máy, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy nguyên nhân & điều kiện thực tế của công trình. Chi tiết, dưới đây là những giải pháp phổ biến, giúp làm mát nhà xưởng hiệu quả.

1. Làm mát nhà xưởng bằng hệ thống thông gió tự nhiên

Làm mát nhà xưởng bằng hệ thống thông gió tự nhiên

Thông gió tự nhiên là phương pháp sử dụng các cửa thông gió, lam gió hoặc cửa sổ trên cao, ứng dụng sự chênh lệch trọng lượng không khí và áp suất để tạo luồng khí đối lưu giúp đẩy khí nóng ra ngoài và hút khí nóng vào trong.

Cụ thể, khí nóng trong công trình có trọng lượng nhẹ và áp suất thấp sẽ bay lên cao, được đẩy ra ngoài thông qua các cửa thông gió, lam gió hoặc cửa sổ trên mái. Trong khi đó khí mát từ môi trường bên ngoài có áp suất cao và trọng lượng nặng hơn sẽ được hút vào và giảm nhiệt cho công trình.

Ưu điểm:

  • Chi phí đầu tư thấp, không tốn điện năng.
  • Không yêu cầu bảo trì phức tạp, hầu như việc bảo trì chỉ là vệ sinh & lau sạch bụi.
  • Giúp tăng cường lưu thông không khí, giảm nhiệt công trình tự nhiên mà không gây tiếng ồn như các biện pháp làm mát & thông gió chủ động khác

Nhược điểm:

  • Mức độ làm mát phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và hướng gió, dẫn đến hiệu quả không được ổn định.
  • Có thể gây ra tình trạng dột nước, bắn nước vào trong công trình nếu không có biện pháp thiết kế, che chắn các lỗ thông gió trên mái phù hợp.

2. Làm mát nhà xưởng bằng hệ thống quạt hút công nghiệp

Làm mát nhà xưởng bằng hệ thống quạt hút công nghiệp

Hệ thống quạt hút công nghiệp là giải pháp làm mát nhà máy chủ động dựa trên nguyên lý chênh lệch áp suất khiến khí nóng ra ngoài – khí mát vào trong như đã đề cập ở trên.

Cụ thể, khi quạt vận hành, các loại khí nóng, ẩm và bụi bẩn bên trong nhà xưởng sẽ bị hút ra ngoài, đồng thời tạo áp suất thấp bên trong để không khí mát từ bên ngoài được tràn vào trong để giảm nhiệt cho công trình. Để đảm bảo hiệu quả làm mát tốt nhất, quạt hút công nghiệp thườn được lắp ở tường cao hoặc mái nhà xưởng do khí nóng có tính chất nhẹ và thường lơ lửng trên cao.

Ưu điểm:

  • Hiệu quả làm mát cao, giảm đáng kể nhiệt độ bên trong nhà xưởng – đặc biệt nếu so với biện pháp thông gió tự nhiên.
  • Giúp lưu thông không khí, giảm bụi bẩn và khí thải công nghiệp.
  • Chi phí đầu tư và tiêu thụ điện năng hợp lý hơn so với hệ thống điều hòa công nghiệp.
  • Dễ lắp đặt và bảo trì.

Nhược điểm:

  • Hiệu quả làm mát phụ thuộc vào thời tiết môi trường xung quanh.
  • Có thể gây tiếng ồn nếu sử dụng quạt công suất lớn.

3. Làm mát nhà xưởng bằng nước (Hệ thống Cooling Pad)

Hệ thống Cooling Pad là cơ chế làm mát công trình bằng nước, được kết hợp với quạt hút đã được đề cập ở phần 2 phía trên. Tấm Cooling Pad được làm từ các sợi cellulose từ gỗ sồi kết hợp một số thành phần phụ gia chống nước, rêu và ẩm mốc tuyệt vời, được thiết kế dưới dạng các đường rãnh giúp nước có thể dễ dàng chảy qua tạo thành “màng nước”.

Làm mát nhà xưởng bằng nước (Hệ thống Cooling Pad)

Sản phẩm được vận hành dựa trên nguyên lý như sau: Các tấm CoolingPad sẽ tạo ra màng nước chảy liên tục ở cửa hút gió, không khí được đi qua màng nước (dưới sự tác động của quạt hút) sẽ được giảm nhiệt nhanh chóng và cuối cùng đẩy vào nhà xưởng để làm mát.

Cơ chế này giúp nhiệt độ trong nhà xưởng giảm đáng kể, thường từ 5 – 10°C so với môi trường bên ngoài, đồng thời tăng độ ẩm không khí, hạn chế tình trạng khô nóng bí bách cho công trình.

Ưu điểm:

  • Giảm nhiệt độ nhanh, giúp cải thiện môi trường làm việc đáng kể với hiệu quả giảm nhiệt từ 5 – 10°C, tốt hơn so với việc sử dụng quạt hút đơn lẻ.
  • Không tiêu tốn quá nhiều điện năng, tiết kiệm chi phí vận hành so với điều hòa công nghiệp.
  • Nhờ cơ chế để không khí ngoài môi trường đi qua màng nước, các bụi bẩn sẽ được chặn lại – giúp không khí được hút vào trong xưởng sạch & trong lành hơn.

Nhược điểm:

  • Phương pháp này có thể khiến độ ẩm tăng cao cho công trình, đặc biệt ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất “kỵ nước” như: chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị điện hoặc linh kiện điện tử.
  • Dù đã được xử lý chống nước và ẩm mốc nhưng Cooling Pad vẫn có nguy cơ bị rêu mốc sau một thời gian sử dụng nếu không được vệ sinh bảo trì thường xuyên. Do đó, bạn cần kiểm tra & bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh xuống cấp Cooling Pad, đảm bảo duy trì khả năng làm mát hiệu quả lâu dài..

4. Làm mát nhà xưởng bằng hệ thống phun sương

Làm mát nhà xưởng bằng hệ thống phun sương

Hệ thống phun sương làm mát mái tôn, như cái tên của nó, đây là biện pháp dùng nước phun thành tia đều khắp tấm lợp nhằm giảm nhiệt độ khi trời nắng nóng. Điều này giúp công trình tránh hấp thu nhiệt vào bên trong, đảm bảo không gian luôn mát mẻ ổn định – tạo sự thoải mái tối đa cho nhân công để nâng cao năng suất lao động.

Ưu điểm:

  • Phương pháp phun sương mái tôn giúp hạ nhiệt mái nhanh chóng, có thể giảm từ 5 – 7°C so với nhiệt độ môi trường.
  • Chi phí đầu tư lắp đặt không quá cao, hầu như công trình nhà máy nào cũng có thể áp dụng & triển khai
  • Giúp hạn chế các tác động tiêu cực làm xuống cấp mái tôn do nhiệt độ, chẳng hạn như: giãn nở mái tôn khi trời nắng làm bung vít, bạc màu,…

Nhược điểm:

  • Việc phun sương có thể gây ứ dột đối với mái tôn lắp đặt không khít hoặc có vết nứt/thủng.
  • Độ ẩm liên tục trên mái trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng rỉ sét, xuống cấp mái tôn. Để hạn chế tình trạng trên, bạn có thể thi công thêm một lớp sơn chống rỉ trên bề mặt mái tôn trước khi lắp đặt hệ thống phun sương.
  • Các đầu phun sau một thời gian sử dụng có thể bị tắc do bụi bẩn hoặc hoặc cành lá mắc phải, do đó cần bảo trì thường xuyên để đảm bảo sự thông suốt ở các đầu phun.

5. Làm mát nhà xưởng bằng điều hòa công nghiệp

Làm mát nhà xưởng bằng điều hòa công nghiệp

Hệ thống điều hòa công nghiệp hoạt động theo nguyên lý làm lạnh không khí bằng môi chất lạnh (gas) – tương tự như điều hòa dân dụng trong nhà ở truyền thống. Sau khi làm mát đến nhiệt độ được người dùng cài đặt, máy sẽ tiến hành phân phối khí mát đến các khu vực trong nhà xưởng.

Đây là giải pháp làm mát có tính ưu việt nhất, giúp công trình duy trì nhiệt độ như mong muốn một cách ổn định liên tục trong thời gian dài – đặc biệt cần thiết với các môi trường sản xuất yêu cầu điều kiện nhiệt độ nghiêm ngặt như: sản xuất thực phẩm, dược phẩm, linh kiện điện tử,…

Ưu điểm:

  • Làm mát hiệu quả, kiểm soát nhiệt độ chính xác theo mong muốn của người sử dụng một cách ổn định.
  • Có khả năng lọc bụi bẩn, làm sạch không khí hiệu quả.
  • Phù hợp làm mát & tạo sự thoải mái với cả công trình nhà xưởng kín gió, có hệ thống thông gió kém hiệu quả.

Nhược điểm:

  • Chi phí đầu tư và vận hành cao do tiêu tốn nhiều điện năng.
  • Cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hoạt động làm mát được duy trì hiệu quả.

6. Làm mát nhà xưởng bằng quạt trần công nghiệp

Làm mát nhà xưởng bằng quạt trần công nghiệp

Quạt trần công nghiệp có sải cánh lớn, thường từ 3 – 7m, giúp tạo luồng gió mạnh và lưu thông không khí trong không gian rộng. Khi quạt hoạt động, không khí nóng bị phân tán và thay thế chúng bằng luồng gió mát, giúp giảm cảm giác oi bức hiệu quả.

Phương pháp này hoạt động hiệu quả nhất khi kết hợp với hệ thống thông gió, quạt hút gió hoặc Cooling Pad, giúp tối ưu khả năng lưu thông không khí và tạo sự thoáng mát bên trong công trình.

Ưu điểm:

  • Chi phí đầu tư và tiêu hao năng lượng khi vận hành thấp hơn nhiều so với điều hòa công nghiệp.
  • Giúp gia tăng hiệu quả lưu thông không khí, giảm cảm giác oi nóng bên trong công trình..

Nhược điểm:

  • Không làm giảm nhiệt độ trên thực tế, chỉ tạo cảm giác mát mẻ hơn cho người làm việc bên dưới quạt.
  • Hiệu quả giảm nếu không gian quá kín, hoặc hệ thống thông gió tự nhiên của công trình kém hiệu quả.
  • Cần không gian trần đủ cao để lắp đặt, bởi quạt trần công nghiệp có kích thước rất lớn – dễ va quệt làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nếu xưởng quá bé và thấp.

7. Làm mát nhà xưởng bằng cách lót vật liệu cách nhiệt cho mái

Làm mát nhà xưởng bằng cách lót vật liệu cách nhiệt cho mái

Đây là phương pháp sử dụng các vật liệu có tính cách nhiệt cao như: PU Foam, bông khoáng, bông thủy tinh,… phía bên dưới mái tôn. Các chất liệu trên khi được lắp đặt phía dưới tấm lợp sẽ có tác dụng ngăn chặn hơi nóng từ trên mái tôn truyền xuống, từ đó hạn chế sự hấp thụ nhiệt vào bên trong công trình nhà máy.

Cụ thể, biện pháp xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy này có những ưu và nhược điểm chính sau cần được chủ đầu tư cân nhắc trước khi thực hiện;

Ưu điểm:

  • Giảm đáng kể nhiệt độ bên trong nhà xưởng 4-5°C, giúp đem lại cảm giác mát mẻ ngay cả khi trưa hè nóng mức
  • Đem lại hiệu quả giảm nhiệt lâu dài & tương đối ổn định so với các biện pháp khác.
  • Có thể kết hợp cùng nhiều biện pháp giảm nhiệt khác nhau để tối ưu hiệu quả làm mát.
  • Các loại lớp cách nhiệt bên cạnh chống nóng còn có khả năng cách âm hiệu quả, đảm bảo không gian làm việc yên tĩnh & tập trung cao khi trời mưa lớn.

Nhược điểm: Không phù hợp nếu nhà xưởng dùng mái lấy sáng bởi lớp cách nhiệt sẽ che kín, làm mất đi tính năng này của mái.

8. Làm mát nhà xưởng bằng sơn chống nóng

Làm mát nhà xưởng bằng sơn chống nóng

Sơn chống nóng là loại sơn chuyên dụng chứa các hạt có tính phản quang cao như: titan dioxide, mica, nhôm,… có khả năng phản xạ bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Điều này giúp hạn chế hấp thụ nhiệt ở mái nhà và trong công trình khi trời nắng nóng, từ đó duy trì nhiệt độ mát mẻ để cán bộ công nhân viên làm việc bên trong thoải mái và có hiệu suất làm việc tốt nhất.

Ưu điểm:

  • Giảm nhiệt độ bề mặt mái từ 5 – 10°C, góp phần làm mát không gian bên trong – đặc biệt là những ngày trưa hè nóng nực.
  • Dễ thi công, thường chỉ mất 1 buổi là hoàn thành.
  • Hỗ trợ giảm nhiệt nhưng không tiêu tốn bất kỳ chi phí năng lượng nào, thậm chí còn giảm tiền điện làm mát công trình – giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành.
  • Sơn chống nóng còn đóng vai trò như một lớp bảo vệ cộng thêm cho lớp tôn nền bên dưới khỏi các tác nhân oxy hóa/rỉ sét, giúp kéo dài tuổi thọ mái hiệu quả.

Nhược điểm:

  • Hiệu quả có thể giảm dần theo thời gian, cần sơn lại sau 3 – 5 năm.
  • Có thể gây ra bong tróc làm mất thẩm mỹ mái tôn sau thời gian dài sử dụng.
  • Không thay thế được các hệ thống làm mát chủ động như quạt hút hoặc điều hòa công nghiệp với các nhà máy quy mô lớn.

9. Làm mát nhà xưởng bằng cách dán tấm chống nóng mái tôn

Làm mát nhà xưởng bằng cách dán tấm chống nóng mái tôn

Tấm dán chống nóng mái tôn là vật liệu làm từ PU có khả năng chống nóng cao, đồng thời mặt phía trên được phủ lớp trắng bạc có khả năng phản xạ nhiệt rất tốt – mang đến khả năng bảo vệ “kép” trong làm mát công trình nhà xưởng. Khi thi công loại vật liệu này, bạn sẽ dán trực tiếp chúng lên tấm tôn sao cho lấp kín diện tích bề mặt mái để đạt hiệu quả toàn diện nhất

Ưu điểm:

  • Cơ chế chống nóng kép giúp vừa phản xạ nhiệt nhờ lớp phủ nhôm, đồng thời ngăn chặn hấp thụ nhiệt xuống mái nhờ lớp PU chống nóng hiệu quả.
  • Không tiêu tốn điện năng, chi phí vận hành gần như bằng 0.
  • Bên cạnh chống nóng, tấm dán tôn con tạo một lớp bảo vệ mái trước các tác nhân ăn mòn/rỉ sét và ngăn thấm dột hiệu quả, nâng cao độ bền và kéo dài tuổi thọ mái tôn.

Nhược điểm:

  • Tấm dán này khi thi công lên mái sẽ che lấp màu sơn tôn nguyên bản, có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ ngoại thất công trình.
  • Giải pháp xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy này chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi phủ kín diện tích mái, không có khoảng hở nào.
  • Có thể bị bong tróc sau thời gian dài sử dụng, cần được kiểm tra & khắc phục định kỳ để đạt hiệu quả chống nóng tốt nhất.

Trên đây là 9+ các xử lí không khí bí và nóng trong nhà máy cực kỳ hiệu quả mà các chủ đầu tư nên quan tâm tham khảo trước khi tiến hành thi công cho công trình của mình. Hy vọng qua bài viết, bạn đã “bắt bệnh” nguyên nhân gây bí và nóng trong nhà máy và có được cách xử lý phù hợp, tiết kiệm chi phí nhất cho mình. Chúc bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *